Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Công Thương vừa diễn ra, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, kim ngạch xuất – nhập khẩu cả năm ước đạt kỷ lục mới 783 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt 2,5 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD).
Bức tranh tổng quan xuất nhập khẩu năm 2024
Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận sự phục hồi ấn tượng trong hoạt động xuất nhập khẩu, với tổng kim ngạch đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tăng 14,3%, nhập khẩu tăng 16,7%, giúp Việt Nam duy trì mức xuất siêu 24,77 tỷ USD – một con số đáng chú ý trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động.
Những thành tựu nổi bật trong xuất khẩu 2024
Tổng quan về tăng trưởng:
Kim ngạch xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước đóng góp 114,59 tỷ USD, tăng mạnh 19,8%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%.
Năm 2024, Việt Nam có 37 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng vượt 10 tỷ USD. Một số ngành hàng chủ lực có thể kể đến như:
- Điện tử, máy tính và linh kiện: 72,6 tỷ USD, tăng 26,6%
- Điện thoại và linh kiện: 53,9 tỷ USD, tăng 2,9%
- Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng: 52,3 tỷ USD, tăng 21%
- Dệt may: 37 tỷ USD, tăng 11,2%
- Giày dép: 22,9 tỷ USD, tăng 13%
- Gỗ và sản phẩm gỗ: 16,3 tỷ USD, tăng 20,9%
- Thủy sản: 10 tỷ USD, tăng 11,9%
Đáng chú ý, xuất khẩu nông sản tiếp tục ghi dấu ấn với những sản phẩm chủ lực như gạo, cà phê, hạt điều và trái cây. Gạo Việt Nam vươn lên dẫn đầu thị trường châu Á, trong khi các loại trái cây như mít, thanh long, xoài đã thâm nhập thành công vào những thị trường khó tính như Mỹ, EU và Nhật Bản.
Nhập khẩu tăng mạnh, phục vụ sản xuất công nghiệp
Kim ngạch nhập khẩu đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7%, trong đó khu vực kinh tế trong nước đóng góp 140,11 tỷ USD (tăng 19,5%), khu vực đầu tư nước ngoài FDI đạt 240,65 tỷ USD (tăng 15,1%).
Những nhóm hàng nhập khẩu lớn:
- Điện tử, máy tính và linh kiện: 107,1 tỷ USD, tăng 21,7%
- Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng: 48,9 tỷ USD, tăng 17,6%
- Vải: 14,9 tỷ USD, tăng 14,5%
- Sắt thép: 12,6 tỷ USD, tăng 20,6%
- Chất dẻo: 11,8 tỷ USD, tăng 11,8%
- Điện thoại và linh kiện: 10,4 tỷ USD, tăng 18,9%
Cán cân thương mại duy trì xuất siêu
Dù nhập khẩu tăng mạnh, nhưng xuất khẩu vẫn đạt mức cao, giúp Việt Nam duy trì mức xuất siêu 24,77 tỷ USD. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Việt Nam xuất siêu, một tín hiệu cho thấy nỗ lực cải thiện không ngừng về năng lực sản xuất và xuất khẩu.
Nối tiếp những thành công, Việt Nam còn ghi nhận những thị trường xuất khẩu chủ lực trong năm 2024
Trung Quốc giữ vững là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất, đạt 204,9 tỷ USD, tăng 19,2% so với năm 2023; trong đó, xuất khẩu đạt 60,6 tỷ USD, giảm 1,1%; nhập khẩu ở vị trí dẫn đầu với kim ngạch đạt 114,3 tỷ USD, tăng 30,4%.
Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ 2 với 134,6 tỷ USD, tăng 21,5%; trong đó, xuất khẩu đạt 119,6 tỷ USD, tăng 23,3%; nhập khẩu đạt 15,0 tỷ USD, tăng 8,8%.
Các nước láng giềng trong khu vực ASEAN ước đạt 83,9 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt giá trị 37 tỷ USD, tăng 13,7%; nhập khẩu đạt 46,9 tỷ USD, tăng 14,7%.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến Hàn Quốc vớitổng kim ngạch 81,8 tỷ USD, nhập khẩu 56,2 tỷ USD; khu vực EU với tổng kim ngạch 68,8 tỷ USD, xuất siêu 35,4 tỷ USD; và cuối cùng là Nhật Bản ghi nhận tổng kim ngạch 46 tỷ USD, xuất khẩu 24,6 tỷ USD.
Đặc biệt, năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu sang EU và Hoa Kỳ nhờ các mặt hàng điện tử, dệt may, giày dép và nông sản. Ngoài ra, việc mở rộng sang châu Phi và Nam Mỹ cũng giúp tăng trưởng xuất khẩu ổn định.
Những yếu tố hỗ trợ xuất nhập khẩu 2024
Để củng cố cho sự phát triển bền vững, các doanh đã có những sự hỗ trợ nhất định từ các yếu tố trong và ngoài nước. Ghi dấu ấn đậm nét là sức ảnh hưởng lớn của các hiệp định thương mại phát huy hiệu quả; sự phát triển của chuyển đổi số và logistics; mở rộng ứng dụng AI, Big Data trong quản lý chuỗi cung ứng giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí vận chuyển;…
Ngoài ra, chính phủ còn có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế.
Thách thức và giải pháp phát triển xuất nhập khẩu 2025
Năm 2024, Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng trong hoạt động xuất, nhập khẩu, bao gồm tăng trưởng ổn định về kim ngạch xuất khẩu, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do và duy trì cán cân thương mại thặng dư. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều thách thức lớn, đặc biệt là sự suy giảm nhu cầu từ các thị trường lớn, khó khăn trong việc cải thiện hạ tầng logistics và sự phụ thuộc vào một số mặt hàng chủ lực.
Để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2025, cần có một loạt các giải pháp chiến lược và hành động thực tế. Dưới đây là những giải pháp cụ thể có thể giúp cải thiện và thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2025:
- Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm cơ hội tại châu Phi, Nam Mỹ.
- Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện.
- Nâng cấp hạ tầng logistics, giảm chi phí vận chuyển.
- Tăng cường bảo vệ thương hiệu, sở hữu trí tuệ để nâng cao uy tín sản phẩm Việt.
Kết
Năm 2024 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu, với những kỷ lục mới về kim ngạch thương mại. Dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng với những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tận dụng các hiệp định thương mại tự do và chuyển đổi số mạnh mẽ, triển vọng phát triển xuất nhập khẩu 2025 hứa hẹn sẽ tiếp tục khởi sắc, đưa Việt Nam lên một tầm cao mới trong thương mại toàn cầu.